Đối với ô tô, trong thời gian dài không sử dụng, nếu không được chăm sóc, bảo quản có thể phát sinh những sự cố, hư hỏng ở một số bộ phận nhất là trong mùa dịch Covi-19 nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội như: Hà Nội, Hồ Chí Minh (Tp.HCM), Đà Nẵng, Hải Phòng. Vì vậy, nếu xác định ít dùng đến, bạn nên thực hiện một số mẹo chăm sóc, bảo quản chiếc “xế cưng” của mình.
Ô tô để lâu không đi trong mùa dịch cần bảo quản những gì? Nhất là đối với bình điện, acquy xe khi cần đến vẫn đảm bảo khởi động được xe?
Trong thời gian các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh (Tp.HCM), Đà Nẵng, Hải Phòng phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều ô tô trở nên ít hoạt động, đặc biệt là những xe taxi, xe hợp đồng,… Ô tô để lâu ngày không sử dụng dễ bị chuột, gián xâm nhập, làm ổ hoặc phát sinh hư hỏng vì vậy chủ xe nên sắp xếp thời gian, chăm sóc bảo quản xe. Thời gian quá lâu không nổ máy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khởi động do ắc quy bị yếu điện, hết điện cũng như các hỏng hóc không đáng có. Dưới đây là một số phương pháp giúp bảo quản ô tô khi để lâu ngày không sử dụng:
Rửa xe, rửa khoang động cơ, dọn dẹp sạch nội thất:
Việc rửa sạch vỏ xe là điều cần thiết để không gây oxi hóa ăn mòn lớp vỏ bằng kim loại, đối với ô tô sử dụng hệ thống phanh đĩa, trong điều kiện ẩm và lâu ngày không sử dụng bề mặt đĩa phanh thường hay bị ố màu hoen rỉ. Dùng chai xịt chống rỉ để bảo quản các chi tiết dưới gầm xe, đĩa phanh… .
Đặc biệt cần rửa sạch khoang động cơ tránh chuột lên làm tổ cắn dây điện, sau khi rửa sạch bạn dùng dung dịch xịt chống chuột hoặc treo ít băng phiến lên những điểm chuột dễ trèo. Ngoài ra cũng cần dọn sạch bên trong xe tránh gián, kiến, côn trùng lên làm tổ, rút hết các thiết bị điện gắn thêm trong xe như: cam hành trình, tẩu sạc điện thoại, máy lọc không khí,... cũng như bỏ hết các vật dễ cháy nổ ra khỏi xe như: bật lửa, bình cứu hỏa, lon nước, điện thoại, bộ đàm,...
Chọn chỗ để xe thoáng mát, kiểm tra áp suất lốp:
Bạn nên để xe dưới mái che, chỗ thoáng mát, tránh để chỗ ẩm thấp đọng nước. Trường hợp phải để xe ngoài trời cần trang bị thêm bạt phủ che nắng để bảo vệ nội thất cũng như màu sơn của xe
Nếu lâu ngày không sử dụng cần bơm 4 lốp theo chế độ bảo quản, thường sẽ bơm căng hơn khi đi vào mức 3.0kg. Đến khi sử dụng bạn xả bớt hơi theo đúng thông số áp suất lốp tiêu chuẩn thường được dán trên khung cửa xe, phía người lái.
Hạ phanh tay, dùng dụng cụ chèn lốp:
Khi xe để lâu không đi không được kéo phanh tay mà phải sử dụng dụng cụ chèn lốp xe.
Phanh tay khi xe không sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến lực ép từ má phanh lên đĩa phanh làm cho khu vực này lõm lại, thậm chí dính vào đĩa phanh dẫn đến hiện tượng kẹt hay bó cứng phanh khi sử dụng lại. Ngoài ra, hơi ẩm có thể dẫn đến gỉ, sét làm kẹt má phanh không nhả ra được khi bạn hạ phanh tay xuống. Nếu không có dụng cụ chèn lốp thì một mẹo đơn giản để xe không bị trôi là bạn dùng số để khóa xe: đối với số sàn bạn vào số 1 còn số tự động bạn về P.
Để nhiên liệu ở mức vừa phải, khởi động xe định kỳ sau 5-7 ngày:
Mức nhiên liệu nên để khoảng 2/3 bình là thích hợp. Không nên đổ đầy quá, việc đổ đầy đối với một số xe có thể dẫn đến hỏng bơm xăng ( như xe Mazda). Nhiên liệu để lâu quá cũng không tốt.
Ngoài ra, để đảm bảo động cơ, hộp số được bôi trơn và hoạt động trơn tru, thỉnh thoảng bạn nên đề máy khởi động xe với vòng tua dưới 1.500 vòng/phút trong khoảng thời gian 10 – 15 phút, đi các số đối với số tự động (AT) để cho dầu số được tuần hoàn không làm ảnh hưởng đến các cảm biến trong số, các lá côn số được hoạt động bôi trơn. Trước khi tắt máy đạp mạnh ga tối thiểu 10 lần để loại bỏ hơi ẩm trong ống xả.
Bên cạnh đó, khi tốc độ vòng tua máy ổn định (1000rpm), nên bật hệ thống điều hoà, quạt gió ở mức cao trong ít nhất 2 phút sau đó tắt điều hòa chuyển nhiệt độ sang chế độ nóng để quạt gió chạy thêm 10 phút. Điều này sẽ giúp loại bỏ hơi ẩm trong hệ thống điều hoà, hơi nước đọng lại trong dàn lạnh của xe để không gây ẩm mốc thủng dàn lạnh.
Kiểm tra, vệ sinh, bảo quản bình ắc quy:
Đâu là cách bảo quản ắc quy xe ô tô đúng cách khi xe để lâu không sử dụng. Ắc quy đóng vai trò quan trọng nhất để khởi động xe ô tô. Nếu hết bình ắc quy bạn không thể làm gì được.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất xe hơi, ngay cả khi ô tô không sử dụng, điện áp của bình ắc quy vẫn bị hao hụt do phải cấp điện duy trì cho một số hệ thống khoá cửa, chống trộm, đồng hồ, đèn cảnh báo, đài radio, màn hình giải trí của xe, cấp nguồn lưu giữ bộ nhớ cho hệ thống hộp điều khiển điện tử của xe ECU (Electronic Control Unit) như: ECM, PCM, TCM, BCM, GEM, DCU, ACU, TCCM, PSCU, Smart Key,… Ngoài ra, ắc quy dùng một thời gian cũng có thể gặp hiện tượng "tự xả cạn” trong thời gian xe không lăn bánh.
Theo các chuyên gia, nếu chiếc xe ít sử dụng thì vẫn nên được khởi động tối thiểu 1 tuần/ lần mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày và để máy chạy tại chỗ ít nhất 15 phút. Điều này không chỉ khiến cặn dầu máy không bị lắng xuống đáy, các chi tiết cơ khí bên trong động cơ được bôi trơn hoạt động mà còn giúp ắc quy được nạp điện bổ xung.
Còn trong trường hợp bạn không thể định kỳ nổ xe thì nên tháo cọc “âm” bình ắc quy nếu xe. Trên mặt bình có ký hiệu cọc âm bằng dấu ( - ), bạn cần chuẩn bị dụng cụ để vặn ốc bắt đầu bop và nhấc ra khỏi cọc bình. Đối với các xe tải được trang bị thêm hệ thống ngắt mass thì không cần tháo cọc bình.
Bạn có thể mua sạc tự ngắt về để sạc bù điện áp cho ắc quy của xe.
Còn trong trường hợp chiếc xe đã hết sạch điện và không thể khởi động được, biện pháp khắc phục nhanh và dễ nhất là nhờ một chiếc xe khác gần đó để câu bình ắc quy.
Trên đây là các cách bảo quản xe ô tô cơ bản trong mùa dịch covid 19 cũng như khi khách hàng để lâu không đi. Bạn cần chú ý để chiếc xe có thể đảm bảo hoạt động được luôn khi có nhu cầu sử dụng.